Thương hiệu con Xiaomi – POCO luôn được biết đến với những smartphone có cấu hình cao, thiết kế đẹp mắt đi cùng với một mức giá phải chăng. POCO M3 vừa mới ra mắt là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Vậy bạn đã biết rõ về smartphone này chưa? Hãy cùng mình đánh giá chi tiết POCO M3 qua góc nhìn của Gizmochina nhé.
Lưu ý: Đây là quan điểm và đánh giá của chuyên trang công nghệ Gizmochina.
Thiết kế của POCO M3 không thể nhầm lẫn đi đâu được
Hiện nay, các điện thoại ở mọi phân khúc luôn chú trọng đến phần thiết kế, tuy nhiên bạn sẽ đôi lúc cảm thấy điện thoại này giống với điện thoại kia. Nhưng với POCO M3 thì lại là câu chuyện khác, sẽ rất khó để tìm thấy một chiếc điện thoại nào có thiết kế giống với smartphone này. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, bạn đã gần như nhận biết được ” À, thì ra đây là POCO M3″.
Mặt lưng của máy được làm bằng nhựa nhưng nhờ được thiết kế họa tiết giả da nên khi nhìn vào cho cảm giác khá sang trọng và thu hút. Chính lớp vỏ này cũng đã mang đến cho sản phẩm sự khác biệt khi so với những sản phẩm phổ thông khác vốn được thiết kế khá giống nhau và nhìn quen mắt.
Điểm nhấn ở mặt lưng còn có cụm 3 camera và đèn flash LED được thiết kế vô cùng nổi bật khi chiếm trọn cả phần trên cùng, logo “POCO” được đặt ở phía đối diện tạo nên một sự cân bằng khi nhìn vào.
Mặt trước của POCO M3 được trang bị màn hình “giọt nước” có kích thước 6.53 inch, độ phân giải Full HD+. Tấm nền IPS LCD hiển thị màu sắc tương đối đẹp mắt, nhưng nội dung hiển thị lại không quá sắc nét. Nhìn chung, trong mức giá này thì điểm trừ nói trên có thể chấp nhận được.
Sự tối ưu phần mềm của Snapdragon 662 giúp POCO M3 có hiệu năng khá tốt
Nằm trong phân khúc thấp, POCO M3 chỉ được cung cấp sức mạnh từ chip Snapdragon 662 tiến trình 11 mm. Mặc dù con chip này không quá mạnh mẽ nhưng bạn hoàn toàn có thể thao tác mượt mà trên POCO M3 nhờ vào hệ điều hành MIUI 12.
Ngoài ra, tuy không phải thuộc loại chip cao cấp, nhưng Snapdragon 662 là chip được nâng cấp, hoàn thiện từ Snapdragon 660 và đã được tối ưu hóa để có hiệu suất camera tốt hơn.
Theo kết quả benchmark trên Geekbench 5 và AnTuTu, hiệu năng CPU của POCO M3 gần như ngang bằng với một số máy trang bị chip Snapdragon 665. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tin Snapdragon 662 đã tối ưu hóa phần mềm trên POCO M3 khá tốt. Bên cạnh đó, hiệu suất lõi đơn và đa lõi cũng có số điểm tương đối ấn tượng.
Về phần trải nghiệm game, khá đáng tiếc khi chơi game PUBG trên POCO M3 không thể kích hoạt được chế độ đồ họa HD trở lên. Thay vào đó, máy chỉ có thể chơi game này ở FPS trung bình.
Khi sử dụng phần mềm của bên thứ ba, đáng ngạc nhiên khi máy có thể hoạt động mượt mà với 60 FPS. Ở chế độ đồ họa cân bằng, mặc dù không hoàn toàn mượt mà nhưng máy vẫn đem lại trải nghiệm tương đối tốt ở 50.22 FPS. Còn với chế độ đồ họa mượt, POCO M3 có thể chạy game mượt mà và ít bị giật lag ở 50 FPS.
Tuy nhiên, với thông số tốc độ khung hình trung bình là 58.19 FPS thì máy đã làm tốt hơn những gì mong đợi.
Không quá nổi bật nhưng cho ảnh sắc nét thì POCO M3 vẫn thể hiện khá tốt
Trước khi đi vào đánh giá chi tiết camera POCO M3, hãy xem sơ qua về các thông số:
- Camera chính độ phân giải 48 MP, khẩu độ f/2.0, tiêu cự 26 mm, hỗ trợ lấy nét theo pha PDAF.
- Camera hỗ trợ chụp chân dung độ phân giải 2 MP, khẩu độ f/2.4.
- Camera macro độ phân giải 2 MP, khẩu độ f/2.4.
Camera chính độ phân giải 48 MP đem lại cho chúng ta nhiều sự bất ngờ nhất. Trong điều kiện đủ ánh sáng, camera chính của POCO M3 cho ra những bức ảnh có độ sắc nét cao, hiển thị màu sắc khá với dải động tốt.
Đối với ống kính marco và ống kính chân dung, hiệu suất của chúng thực sự không quá ấn tượng. Các hình ảnh chụp từ ống kính marco hiển thị màu sắc tương đối nhưng về độ chi tiết, sắc nét chỉ ở mức trung bình.
Còn ở chế độ chụp chân dung, điện thoại cho phép người dùng chỉnh sửa ảnh gốc với tiêu điểm và khẩu độ được chọn lại. Tuy nhiên việc xóa phông vẫn để lại khá nhiều lỗi ở phần viền chủ thể.
Điểm hạn chế nữa trên camera của POCO M3 là sự thiếu vắng của tính năng chống rung quang học (OIS), chính vì vậy, rất khó để có được bức ảnh như mong muốn trong điều kiện thiếu sáng. Một vấn đề khác là khả năng phơi sáng của POCO M3 quá mạnh trong một số trường hợp dẫn đến mất đi chi tiết ở các góc.
Ở chế độ chụp ban đêm, camera của máy cũng hoạt động khá tốt nhờ vào độ phơi sáng cân bằng. Tuy nhiên, với một vài trường hợp cảnh tối hơn, độ phơi sáng quá mạnh đã làm cho bức ảnh bị nhiễu và không được đẹp.
POCO M3 giá rẻ đấy nhưng trang bị pin 6.000 mAh thì không phải chuyện đùa đâu
Viên pin 6.000 mAh được trang bị trên POCO M3 là điều mang lại bất ngờ nhất ở phân khúc giá rẻ này. Bạn có thể sử dụng smartphone đến “chán” mà máy vẫn còn rất nhiều pin. Cụ thể, trong một bài kiểm tra thực tế về dung lượng pin của POCO M3:
- Máy tiêu thụ 14% pin sau 1 giờ chơi PUBG.
- Máy tiêu thụ 12% pin sau 1 giờ sử dụng máy ảnh.
- Máy tiêu thụ 6% pin sau 1 giờ lướt mạng xã hội.
- Máy tiêu thụ 6% pin sau 1 giờ phát video.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể chơi game liên tục 6 – 7 giờ, lướt Facebook hay “cày phim” 15 giờ liên tục mà không cần dùng đến bộ sạc. Quả thật là đáng kinh ngạc trên thiết bị giá rẻ phải không?
Tuy nhiên, điều mà có thể sẽ làm không ít người dùng nản lòng là công nghệ sạc nhanh của máy. Tất nhiên là máy vẫn có sạc nhanh, nhưng với viên pin 6.000 mAh mà máy chỉ được tích hợp sạc nhanh 18W dẫn đến phải mất hơn 2 giờ để có thể sạc đầy điện thoại. Dẫu sao thì với thiết bị giá rẻ, công nghệ sạc nhanh bị hạn chế là điều đã được dự đoán trước.
Kết luận
Chỉ từ 3.5 triệu đồng, POCO M3 là một chiếc smartphone giá rẻ có thiết kế hoàn toàn mới mẻ, hiệu năng ổn định mang lại trải nghiệm tạm gọi là tốt nhất trong phân khúc của mình đến thời điểm hiện tại. Một vài yếu tố của camera và trải nghiệm game đồ họa có thể là điểm trừ, làm bạn đắn đo trước khi chi tiền để mua thiết bị này.
Tuy nhiên, với viên pin siêu khủng 6.000 mAh, POCO M3 rõ ràng là một sự lựa chọn đáng được ưu tiên của người dùng trung niên, tài xế công nghệ,… Khả năng “cầm cự” suốt một ngày dài, thậm chí là hai ngày đối với smartphone này không có gì là khó khăn.