Trước khi bị lệnh cấm thương mại của Hoa Kỳ làm tê liệt, Huawei đang tìm cách đối đầu với Samsung. Họ đã vượt qua Apple để giành vị trí số hai trên thị trường toàn cầu và có được rất nhiều bước tiến trong vài năm trước khi bị cấm vận.
Gần một năm sau lệnh cấm, Huawei thậm chí đã vượt qua được Samsung để giành vị trí số một trong quý 2 năm 2020. Tuy nhiên, điều này là do sự kết hợp của nhiều tình huống chưa từng có. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 trong khi các thị trường trọng điểm của Samsung ở châu Âu và Bắc Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Các số liệu mới nhất của Quý 3 năm 2020 thực sự cho thấy vị trí số một của Huawei là do những hoàn cảnh đó. Thương hiệu Trung Quốc sau đó đã giảm thứ tự ở nhiều địa phương. Sự trượt dốc mà Huawei để lại đang mở ra cánh cửa cho các thương hiệu khác vươn lên chiếm lấy và dường như Xiaomi đang là người tích cực nhất trong cuộc đua này.
Người thừa kế cho ngôi vị của Huawei?
Báo cáo tài chính Quý 3 năm 2020 của Xiaomi cho thấy, lượng smartphone xuất xưởng của họ tăng nhảy vọt đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, báo cáo của Counterpoint Research cũng cho thấy, lượng xuất xưởng của Huawei sụt giảm trầm trọng đến 24% so với quý này năm ngoái. Thị phần Huawei cũng giảm xuống chỉ còn 14%.
Nói cách khác, Xiaomi giờ đây đã vượt qua Huawei nếu tính theo thị phần toàn cầu và hiện đang trở thành thương hiệu smartphone Trung Quốc phổ biến nhất. Con số tăng trưởng 45% của Xiaomi càng ấn tượng hơn nữa khi các thương hiệu còn lại trong top 5 (trừ Samsung) đều sụt giảm lượng xuất xưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả Samsung dù tăng trưởng nhưng tốc độ cũng chỉ 2% mà thôi.
Trong vài năm qua, chiến lược của Xiaomi luôn tập trung vào các thị trường trọng điểm của Huawei trên thế giới, bao gồm châu Âu, Trung Đông và châu Phi, trong khi duy trì khả năng tăng trưởng tại thị trường quê nhà Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay từ Quý 2 năm 2020, Xiaomi đã vượt mặt Huawei về thị phần tại châu Âu. Tuy nhiên, Xiaomi khẳng định họ còn lọt vào top 5 tại 54 thị trường và là nhãn hiệu hàng đầu tại 10 thị trường trên thế giới.
Công ty này từ lâu đã cố tránh việc “bỏ toàn bộ trứng vào một rổ”, và hướng đi này cuối cùng đã mang lại kết quả như ý. Theo Xiaomi, doanh thu tại thị trường hiện đã lần đầu chiếm quá nửa tổng doanh thu của hãng (hơn 55%). Có nghĩa là nhãn hiệu này có thể dựa vào thị trường trong nước hoặc nước ngoài tuỳ thích. Chiến lược này từng mang lại kết quả khả quan cho Huawei trong quá khứ, mà gần đây nhất đã giúp họ vươn lên vị trí số một hồi đầu năm nay.
Xiaomi còn thử chiến lược phối hợp với các nhà mạng. Các nhà mạng lớn vẫn đang loay hoay tìm cách lấp khoảng trống để lại bởi những mẫu điện thoại không có Google của Huawei. Cụ thể, Xiaomi cho biết họ đã ký hợp đồng với 50 nhà mạng với “100 mạng nhỏ” tại 50 quốc gia. Đây rõ ràng là một nước đi nhanh nhạy của Xiaomi trong bối cảnh các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho các mẫu điện thoại dòng Lite, dòng Y, và cả các mẫu flagship của Huawei.
Thách thức ở phân khúc cao cấp
Các mẫu điện thoại giá rẻ của Xiaomi đã luôn là yếu tố mang lại sức tăng trưởng cho hãng qua nhiều năm. Trong Quý 3/2020, có ba mẫu điện thoại giá rẻ Xiaomi lọt vào top 10 điện thoại phổ biến nhất toàn cầu. Điều tương tự cũng diễn ra trong Quý 1/2020, theo bảng xếp hạng điện thoại của Canalys.
Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với Xiaomi là phân khúc cao cấp. Công ty đã và đang tìm kiếm một lối vào phân khúc cao cấp trong vài năm trở lại đây. Các điện thoại Mi cao cấp của hãng thường được xem là những mẫu flagship giá tốt, như series Mi 8 và Mi 9 chẳng hạn.
Nhưng năm ngoái, khi CEO Lei Jun tiết lộ giá bán flagship sẽ được đẩy lên cao hơn, thì chúng ta mới bắt đầu thấy được ý định rõ ràng của Xiaomi.
“Tôi từng nói với mọi người trong công ty rằng đây có lẽ là lần cuối giá bán điện thoại của chúng ta dưới 3.000 tệ (khoảng 10.65 triệu đồng)” – vị lãnh đạo nói, ám chỉ chiếc Mi 9. “Trong tương lai, điện thoại của chúng ta sẽ đắt hơn – không hơn nhiều, nhưng đắt hơn một chút”.
Thật vậy, series Mi 10 ra mắt vào đầu năm 2020 với giá bán đắt hơn thế hệ trước – nhưng không phải “đắt hơn một chút”, khi mà Mi 10 và Mi 10 Pro lần lượt có giá 3.999 tệ (khoảng 14.2 triệu đồng) và 4.999 tệ (khoảng 17.75 triệu đồng) tại Trung Quốc. Còn tại châu Âu, chúng lần lượt có giá 799 euro (khoảng 22.55 triệu đồng) và 999 euro (khoảng 28.2 triệu đồng).
Xiaomi vẫn tung ra những mẫu flagship giá tốt hơn, như series Mi 10T, nhưng nếu muốn bán máy với giá ngang ngửa Samsung và Huawei, họ sẽ cần trang bị cho các thiết bị cao cấp của mình những tính năng hấp dẫn hơn, như kháng nước, công nghệ màn hình tốt hơn, và nhiều thứ khác.
Ngoài ra, hãng điện thoại Trung Quốc cũng phải đấu với Samsung và Apple, vốn đang bùng nổ mạnh mẽ trong phân khúc này. Galaxy S20 FE và iPhone 12 / iPhone 12 mini đều vượt trội khi xét về cán cân giá bán / hiệu năng.
Đây còn là những nhãn hiệu quen thuộc đối với hầu hết người tiêu dùng, do đó Xiaomi sẽ phải chơi lớn nếu họ hi vọng thu hút được sự chú ý của khách hàng từ Samsung và Apple ở phân khúc cao cấp.
Dẫu vậy, vẫn có một số thông tin khá “ấm lòng” cho Xiaomi trong phân khúc này. Counterpoint cho biết Xiaomi đã lọt vào top 5 các nhãn hiệu cao cấp trong Quý 1/2020, đánh dấu lần đầu tiên của nhãn hiệu này kể từ Quý 3/2018, và là công lao của dòng Mi Note 10 và Mi 10. Bạn có thể xem bảng trên để biết rõ hơn về các vị trí xếp hạng.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng Xiaomi xếp thứ 5 trong Quý 1/2020, với thị phần chỉ 2% – phân khúc này, tại thời điểm đó, vẫn là cuộc chơi của Apple, Samsung, và Huawei. Nhưng thị phần 12% của Huawei rõ ràng đang nằm đó, chờ bị… ăn mất, và sẽ là điều rất đáng ngạc nhiên nếu Xiaomi chưa “cạp” một miếng từ người đồng hương!
Xiaomi tăng gấp đôi kỹ sư R&D Nhật Bản
Xiaomi đang tuyển dụng kỹ sư R&D tại Nhật Bản với số lượng tăng gấp đôi năm ngoái khi công ty tìm cách vượt Huawei.
Hôm 9/12, Xiaomi cho biết đã xây dựng văn phòng mới tại Nhật Bản sau một năm gia nhập thị trường này. Động thái của công ty Trung Quốc là một phần trong kế hoạch mở rộng thị phần trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng trên toàn cầu.
Xiaomi chưa tiết lộ số lượng kỹ sư R&D sẽ tuyển dụng tại đây. Tuy nhiên, công ty cho biết có kế hoạch tung ra hơn 15 thiết bị di động trên toàn cầu vào năm 2021.
Tại Nhật Bản, Xiaomi đã cung cấp các sản phẩm như smartphone giá rẻ, nồi cơm điện và máy lọc không khí
Xiaomi được cho là đang tận dụng những khó khăn của Huawei để vượt lên.Theo IDC, nếu Xiaomi sản xuất được 240 triệu smartphone trong năm tới, hãng sẽ tiệm cận 240,6 triệu máy trong năm 2019 của Huawei – mức kỷ lục đối với một hãng điện thoại Trung Quốc.
Trong khi đó, Apple mới chỉ xuất xưởng trung bình khoảng 200 triệu iPhone mỗi năm.
Chiến lược của Xiaomi trong vài năm qua là “đánh chiếm” các “thành trì” truyền thống của Huawei, như châu Âu, Trung Đông và một mức độ nào đó ở châu Phi. Hãng cũng đồng thời giữ đà phát triển ở hai thị trường trọng điểm là quê nhà Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Công ty cũng từng vượt qua Huawei để đứng thứ ba tại châu Âu vào quý II, đồng thời luôn có mặt trong top 5 tại 54 thị trường trọng điểm trên toàn cầu.
Với tiến độ như hiện nay, giới chuyên gia dự đoán khả năng cao Xiaomi sẽ vượt qua Huawei trong những quý tới để trở thành thương hiệu smartphone Trung Quốc phổ biến nhất thế giới năm sau.
Tất cả điều đó có ý nghĩa gì trong năm 2021?
Đại dịch COVID-19 và sự bất ổn của nền kinh tế, kết hợp với những khó khăn của Huawei, chắc chắn sẽ mở ra những điều kiện lý tưởng để các nhãn hiệu smartphone giá tốt trỗi dậy. Xiaomi đã may mắn ở đúng nơi, đúng lúc, để tận dụng lợi thế từ những điều kiện đó.
Nhưng để trở thành một cái tên hàng đầu, họ không thể cứ mãi bán điện thoại giá rẻ. Xiaomi sẽ cần phải nâng tầm cuộc chơi flagship nếu hi vọng có thể cạnh tranh được với Apple và Samsung trong phân khúc này.
Liệu Xiaomi có củng cố được vị trí thứ hai trong các bảng xếp hạng từ nay đến năm 2021? Đó là một câu hỏi lớn, và câu trả lời sẽ phụ thuộc khá nhiều vào những hành động mà chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện đối với Huawei trong năm sau.
Sự trở lại của các dịch vụ Google sẽ là chiến thắng lớn đối với Huawei, nhưng họ vẫn sẽ cần làm nhiều điều nữa để giành lại lòng tin từ người tiêu dùng.
Bên cạnh sự cạnh tranh từ ông lớn Samsung và mối đe doạ tiềm tàng từ Huawei, Xiaomi cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ OPPO, Realme, và Vivo trong năm 2021. Cả ba nhãn hiệu này đều tương đối mới tại thị trường trọng điểm châu Âu, trong đó Vivo mới chỉ ra mắt ở đây vào đầu tháng này mà thôi.
Nhãn hiệu tập trung vào giá tốt là Realme có thể là nguy cơ lớn nhất cho thị phần toàn cầu của Xiaomi. Realme đã phả hơi thở vào gáy Xiaomi tại thành trì Ấn Độ, đồng thời còn đang nhanh chóng mở rộng sang các khu vực khác như châu Âu.
Trong nhiều năm qua, Xiaomi cũng đã tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Họ đã chi ra đến 7,5 tỷ tệ (khoảng 1,14 tỷ USD) trong năm 2019 cho hoạt động này, tăng 29,7% so với năm 2018. Công ty dự báo sẽ tiếp tục chi 10 tỷ tệ (khoảng 1,5 tỷ USD) trong năm 2020 – vẫn thấp hơn so với khoản chi 15 tỷ USD của Huawei trong năm 2019.
Dù sao đi nữa, Xiaomi được cho là sẽ mang các công nghệ như sạc nhanh hơn, camera selfie dưới màn hình, và UWB (công nghệ băng thông siêu rộng) lên các mẫu flagship của hãng trong năm 2021. Liệu công nghệ mới và giá bán cạnh tranh có giúp hãng củng cố vị trí thứ hai trong năm 2021? Chỉ có thời gian mới trả lời được.