Khả năng sạc pin là một trong số ít phân khúc còn lại trong thế giới smartphone nơi các công nghệ độc quyền có thể phát triển mạnh. Hầu hết các công ty sử dụng chipset từ cùng một nhà cung cấp, họ mua cùng một màn hình và cảm biến camera. Tuy nhiên, pin và phần cứng đi kèm với nó đôi khi lại là thành phần được các công ty tự nghiên cứu và là lĩnh vực có tốc độ đổi mới nhanh chóng trong vài năm qua.
Hiện tại, các hệ thống sạc độc quyền cung cấp tốc độ cao hơn và được sử dụng trên một số thiết bị nổi bật. Một trong những hãng đã mang đến công nghệ pin đáng nhớ nhất trong thập kỷ qua chính là Xiaomi.
Hầu hết mọi người đều muốn có một viên pin lớn hơn để kéo dài thời gian sử dụng smartphone trước khi phải cắm sạc, nhưng điều này sẽ làm cho kích thước viên pin tăng lên, từ đó dẫn đến chiếc smartphone sẽ dày và to hơn đáng kể, ví dụ như chiếc smartphone này của Oukitel. Do đó, đa phần các hãng sản xuất smartphone đều không đi theo hướng tăng đáng kể dung lượng pin mà tăng dần từng chút một theo thời gian nhờ cải tiến công nghệ, Xiaomi cũng nằm trong số này.
Độ dày trung bình của điện thoại Xiaomi giảm đều trong một thời gian, sau đó ổn định quanh mức 8-9mm. Trong khi dung lượng pin tăng nhẹ đều theo thời gian nhưng đang dừng lại ở mức 6000 mAh trong vài năm nay.
Những viên pin lớn hơn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn để sạc ở ngưỡng cơ bản là 10W, vì vậy, phải có sự thay đổi. Điện thoại có sạc nhanh đầu tiên của Xiaomi là Mi 3 (2013), sử dụng Quick Charge 2.0 của Qualcomm để đạt được công suất 18W. Trên thực tế, Xiaomi đã sử dụng QC cho nhiều điện thoại của hãng. Ví dụ, Mi 9 Pro (2019) có QC 4 và sạc có dây 40W, không dây 30W.
Nhưng Quick Charge không thể theo kịp công nghệ của Xiaomi và do đó, công ty đã tạo ra những giải pháp sạc nhanh riêng, ví dụ như chip sạc Surge P1.
Tuy nhiên, dung lượng pin không phải luôn tăng liên tục. Vài năm trước, Xiaomi đã có dòng Mi Max với màn hình và pin lớn. Mi Max 2 có màn hình 6,44 inch và pin 5.300mAh. Mi Max 3 lên đến 6,9 inch và 5.500mAh. Nhưng đó vẫn không phải viên pin lớn nhất của công ty, thay vào đó, những chiếc điện thoại như Poco M3 giá cả phải chăng và kích thước không quá lớn lại có pin 6.000mAh (M3 có kích thước 162,3×77,3×9,6mm và nặng 198g). 6.000mAh là dung lượng pin cao nhất cho đến hiện nay của smartphone Xiaomi.
Mi Mix 2S ra mắt năm 2018 là chiếc Xiaomi đầu tiên hỗ trợ sạc không dây, ở mức 7,5W. Mi Mix 3 ra mắt cùng năm đã nhanh hơn một chút với hỗ trợ sạc không dây 10W.
Và con số tăng dần từ đó – 30W vào năm 2019, sau đó 50W, rồi 67W, sau đó… chưa có gì mới. Mi 11 Ultra mang lại sự tương đồng giữa sạc có dây và không dây – cả hai đều ở mức 67W. Tất nhiên, sạc có dây hiệu quả hơn, nhưng không nhiều như bạn nghĩ. So sánh giữa sạc có dây và không dây, thời gian sạc 0-100% là 36 phút và 39 phút.
Dù vậy, sự tập trung của công ty dường như đã chuyển sang sạc có dây. Ví dụ như chiếc Xiaomi 11i HyperCharge 5G chỉ tồn tại với mục đích chính là cung cấp cho người dùng tùy chọn sạc siêu nhanh 120W – mang đến thời gian sạc 0-100% chỉ trong 16 phút, 22 phút nếu bạn tắt chế độ Boost. Trong khi đó, chỉ một số mẫu được phát hành trong vài năm qua hỗ trợ sạc không dây 50W trở lên.
Công nghệ sạc có thể phát triển đến mức nào? Bản thân Xiaomi cũng đã giới thiệu sạc có dây 200W một năm trước, cũng như sạc không dây 80W, nhưng chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm, có lẽ tốc độ sạc sẽ tiếp tục tăng dần trong vài năm tới và sạc nhanh sẽ ngày càng phổ biến hơn, tốc độ trung bình sẽ cao hơn.